Nhóm âm mưu lại nản lòng Phong_trào_chống_đối_Hitler

Đầu năm 1940, một lần nữa, những người âm mưu chống Hitler lại thuyết phục các tướng lĩnh nên lật đổ Hitler – lần này là để ngăn chặn cuộc tiến công lên miền bắc mà họ đã nghe phong phanh. Họ muốn Anh đảm bảo sẽ dàn hòa mà cho phép chế độ chống Quốc xã được giữ lại phần lớn lãnh thổ do Hitler mới chiếm được.

Dựa trên cương lĩnh này, Hassell đã vô cùng dũng cảm đi đến Thụy Sĩ để tham khảo với một người Anh mà ông ghi trong nhật ký là "Ông X" nhưng thật ra mang tên là J. Londsdale Bryans. Ông này nằm trong giới ngoại giao ở Roma, tự nhận vai trò trung gian theo cách thiếu chuyên nghiệp kiểu Dahlerus. Ông có mối dây liên hệ với chính phủ Anh, và Hassell có ấn tượng tốt khi gặp ông. Nhưng sau sự cố với Thiếu tá Stevens và Đại úy Best khi tìm cách bắt liên lạc với nhóm âm mưu, phía Anh tỏ ra ngờ vực cả âm mưu chống Hitler, và khi Bryans dọ hỏi Hassell để nắm thêm thông tin đáng tin cậy thì ông này lại kín kẽ. Hassell trả lời: "Tôi không thể nói ra tên những người ủng hộ tôi."

Rồi Hassell phác thảo quan điểm của "cánh đối lập": phải lật đổ Hitler "trước khi có động thái quân sự lớn lao"; đây "hoàn toàn là chuyện nội bộ của Đức"; phải có "tuyên bố với giới có thẩm quyền ở Anh" về việc đối xử với chế độ chống Quốc xã ở Berlin... Hassell và nhóm âm mưu của ông muốn được đảm bảo rằng nếu họ đã loại Hitler, nước Đức sẽ được đối xử một cách rộng lượng hơn là sau khi người Đức đã loại Hoàng đế Wilhelm II.

Rồi Hassell trao cho Bryans một bản ghi nhớ đầy thuyết phục với những ý niệm cao quý về tương lai của thế giới "dựa trên những nguyên tắc của đạo đức Cơ đốc, công lý và luật pháp, an sinh xã hội, tự do tư tưởng..." Điều kiện chính cho hòa bình của Hassell là nước Đức mới được giữ lại hầu hết lãnh thổ do Hitler đã chiếm được: Áo, Sudetenland, đường biên giới năm 1914 với Ba Lan, cũng là đường biên giới với Liên Xô bởi vì lúc ấy chưa có Ba Lan.

Bryans đồng ý rằng cần có hành động nhanh chóng và hứa sẽ trình bản ghi nhớ của Hassell cho Halifax. Hassell trở về Berlin để tường thuật lại với những người trong nhóm âm mưu. Dù vẫn hy vọng vào "Ông X" của Hassell, trong lúc này họ đang quan tâm nhiều hơn đến cái gọi là "Báo cáo X" của một người trong nhóm, TS. Hans von Dohnanyi tại Cục Quân báo. Dựa trên sự liên hệ với Tòa thánh Vatican, báo cáo này cho biết Giáo hoàng sẵn sàng can thiệp với Anh về những điều khoản hòa bình thuận lợi cho chính phủ mới của Đức chống Quốc xã và về "vấn đề dàn xếp ở miền Đông có lợi cho Đức."

Nhóm âm mưu xem Báo cáo X là quan trọng. Tướng Thomas đã trình cho Brauchitsch xem báo cáo này nhằm tác động vị Tư lệnh Lục quân khuyên Hitler không nên đánh miền Tây. Nhưng Brauchitsch không thích hành động như thế, mà còn dọa sẽ bắt giữ Thomas nếu ông này đưa vấn đề ra bàn lần nữa, mà ông cho biết đấy "rõ ràng là tội phản quốc."

Rồi Thomas lại trình Báo cáo X cho Halder với hy vọng ông này sẽ theo đấy mà hành động, nhưng chỉ hoài công. Như vị Tham mưu trưởng Lục quân đã bảo Goerdeler – người cũng đã cầu xin ông chủ trì – vào lúc này ông không thể phá bỏ lời tuyên thệ là người lính của Lãnh tụ. Ông biện luận rằng Anh và Pháp đã tuyên chiến với Đức, và nền hòa bình dựa trên sự dung hòa là điều không tưởng.

Goerdeler ghi trong nhật ký:

Halder đã bắt đầu than thở khi nói về trách nhiệm của mình, tạo cảm tưởng về một người yếu đuối với tinh thần rệu rã.

Cảm tưởng như thế là đáng ngờ. Khi xem qua nhật ký của Halder vào tuần lễ đầu của tháng 4/1940, người ta có cảm tưởng rằng vị Tham mưu trưởng có tinh thần phấn chấn trong khi đang tham khảo với các tư lệnh chiến trường và kiểm tra lần cuối cùng những kế hoạch cho cuộc hành quân lớn lao nhất và táo bạo nhất trong lịch sử của Đức. Trong nhật ký của ông không có ý tưởng nào chống đối chế độ hoặc băn khoăn với lương tâm. Dù ông có mối nghi ngại đối với việc tấn công Đan MạchNa Uy, đấy chỉ là thuần túy dựa trên lý do quân sự. Không hề có chữ nào bày tỏ nỗi băn khoăn về đạo lý đối với hành động gây hấn của Quốc xã chống lại bốn quốc gia trung lập nhỏ mà Đức đã long trọng cam kết đảm bảo đường biên giới, trong khi ông lại đóng vai trò chủ đạo lập kế hoạch hành quân chống lại hai trong số bốn quốc gia ấy.

Thế là, chấm dứt nỗ lực cuối cùng của những "người Đức tốt" muốn lật đổ Hitler trước khi quá muộn. Đây là cơ hội cuối cùng mà họ có thể đạt nền hòa bình trong sự rộng lượng của nước ngoài. Như Brauchitsch và Halder đã tỏ rõ, các tướng lĩnh không quan tâm đến nền hòa bình dựa trên đàm phán. Giống như Lãnh tụ, lúc này họ đang nghĩ đến nền hòa bình do họ áp đặt – áp đặt sau khi Đức chiến thắng.